Ngành giáo dục và đào tạo thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa”: Từ kiến thức đến công tác xã hội

          Đối với ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), giáo dục truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” luôn gắn liền với các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” để nâng cao trách nhiệm của thế hệ trẻ.

Nganh GD va DT thuc hien cong tac DO DN Tu kien thuc den cong tac xa hoi

Học sinh Trường THCS Hoàng Văn Thụ (thành phố Lạng Sơn)

trong buổi ngoại khóa giáo dục truyền thống

          Đa dạng hình thức giáo dục truyền thống

          Với vai trò là những người “truyền lửa” cho thế hệ trẻ, trong công tác giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên (HSSV), công tác giáo dục truyền thống được tổ chức thông qua các hình thức: Khai thác chương trình chính khóa, kiến thức liên môn và giáo dục ngoại khóa. Đối với giáo dục chính khóa, đội ngũ giáo viên bộ môn như: ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân căn cứ vào thời lượng chương trình, kế hoạch cụ thể của bài giảng để nêu bật công lao, sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sỹ, người có công với đất nước. Đội ngũ giáo viên khéo lồng ghép về truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam như: “thương người như thể thương thân”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, “uống nước nhớ nguồn” để truyền thụ cho học sinh. Qua những tư liệu, số liệu cụ thể trong bài học, học sinh thấy được ý nghĩa của cuộc sống độc lập tự do hôm nay.

          Bằng sự phối hợp giữa nhà trường với các cơ quan, đoàn thể như: Hội Cựu chiến binh, Ban Liên lạc Thanh niên xung phong các thời kỳ, các nhà trường đã tổ chức cho học sinh gặp gỡ các anh hùng, chiến sỹ… nghe nói chuyện về truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống thanh niên xung phong…; tổ chức tham quan bảo tàng, tượng đài chiến thắng trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện trải nghiệm cho học sinh. Từ năm học 2012 - 2013 đến nay, toàn ngành đã tổ chức được 4.963 cuộc giáo dục như vậy, thu hút gần 4,3 triệu HSSV tham gia.

          Sự phối hợp giữa giảng dạy kiến thức chính khóa, học tập thông qua ngoại khóa và trải nghiệm đã có tác dụng tốt để học sinh tiếp thu, cảm nhận.

          Hiệu quả từ các hoạt động xã hội

          Giúp đỡ gia đình thương binh, liệt sỹ (TBLS), người có công, Bà mẹ Việt Nam anh hùng… là các hoạt động cụ thể, thiết thực của các nhà trường, cơ sở giáo dục trong phong trào toàn dân làm tốt công tác TBLS. Trong giai đoạn 2012 - 2017, các cơ sở giáo dục trong toàn ngành đã giúp đỡ 7.846 gia đình chính sách, 2.307 gia đình TBLS, 25 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đóng góp 674 triệu đồng, 563 bộ quần áo, nhiều sách vở, đồ dùng học tập… trực tiếp giúp đỡ 3.879 lượt HSSV là con em gia đình TBLS.

          Thực hiện Chương trình 652 ngày 5/7/2012 giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về phối hợp chăm sóc, tu bổ nghĩa trang liệt sỹ, ngành đã chỉ đạo các nhà trường chủ động phối hợp với các ngành của địa phương triển khai công việc. Trong 5 năm qua, các nhà trường đã tu bổ, chăm sóc 12 nghĩa trang liệt sĩ, 236 nhà bia với 83.630 công lao động; đóng góp và trồng 3.182 cây xanh bồn hoa, cây cảnh. Huy động gần 250 ngàn lượt HSSV tham gia 3.885 buổi dâng hương, dâng hoa kỷ niệm ngày TBLS và các ngày tết cổ truyền, ngày lễ lớn của dân tộc.

          Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2017), ngay từ tháng 5/2017, ngành đã có công văn chỉ đạo các nhà trường chủ động liên hệ với địa phương để xây dựng kế hoạch tham gia các hoạt động kỷ niệm; tổ chức thăm hỏi gia đình TBLS, tu sửa nghĩa trang, bia tưởng niệm; tham gia các chương trình văn nghệ với chủ đề “Màu hoa đỏ”… Nói về các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng, đây không chỉ là trách nhiệm của toàn ngành mà còn là dịp để thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, để sống có trách nhiệm hơn đối với bản thân, gia đình và đất nước.

Nguồn: baolangson.vn

Liên kết

 

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay90
Hôm qua318
Tuần này1692
Tháng này5070
Tất cả816656