Chưa xem xét sửa quy định xác nhận thương binh, liệt sĩ

          Gửi ý kiến đến Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, cử tri các tỉnh Bình Định, Vĩnh Phúc đề nghị cơ quan chức năng sửa đổi Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22/10/2013 về căn cứ xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ.

          Cử tri các tỉnh Bình Định, Vĩnh Phúc nêu lý do sửa đổi là, cơ sở để công nhận liệt sĩ tại Thông tư nêu trên là danh sách liệt sĩ lưu tại cơ quan, đơn vị có ghi tên người hy sinh hoặc giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý lập từ ngày 31/12/1994 trở về trước có ghi nhận là liệt sĩ hoặc hy sinh trong chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu, hoặc cơ sở để công nhận thương binh là phải có giấy tờ chứng minh quá trình tham gia cách mạng và giấy tờ chứng minh bị thương trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; trong khi những trường hợp còn tồn đọng đến nay hầu hết đã thất lạc hồ sơ, hoặc không có các giấy tờ nêu trên vì điều kiện trong chiến tranh, không tìm được đơn vị cũ…

Chua xem xet sua quy dinh xac nhan T LS

          Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

          Việc quy định các căn cứ chứng minh quá trình hoạt động cách mạng tại Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22/10/2013 không yêu cầu giấy tờ gốc nhưng yêu cầu các giấy tờ, tài liệu phải có căn cứ pháp lý nhằm hạn chế việc khai man hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi. Cụ thể như sau:

          Đối với căn cứ xác nhận liệt sĩ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng với Bộ Quốc phòng đã thống nhất căn cứ chứng minh để xác nhận liệt sĩ quy định tại Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP là các giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý lập từ ngày 31/12/1994 trở về trước có ghi nhận là liệt sĩ hoặc hy sinh trong chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu.

          Đây không phải giấy tờ gốc mà chỉ cần giấy tờ, tài liệu từ 31/12/1994 phản ánh trường hợp hy sinh thì được xem xét giải quyết.

          Đối với căn cứ xác nhận thương binh, về căn cứ chứng minh quá trình tham gia cách mạng, đối tượng chỉ cần nộp bản khai chi tiết quá trình tham gia cách mạng có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú đối với đối tượng không thoát ly và nộp thêm căn cứ chứng minh đã được hưởng chế độ theo các Quyết định như: Quyết định số 40/2011/QĐ-TTgngày 27/7/2011, Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011, Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008, Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08/11/2005... đối với đối tượng thoát ly, trong đó không yêu cầu phải có giấy tờ gốc.

          Về căn cứ chứng minh bị thương, có thể là vết thương thực thể hoặc còn dị vật kim khí trong cơ thể (không yêu cầu giấy tờ gốc), cụ thể như sau:

          - Người bị thương thuộc lực lượng quân đội, công an có vết thương thực thể hoặc còn dị vật kim khí trong cơ thể.

          - Người không thuộc lực lượng quân đội, công an bị thương trong kháng chiến chống Pháp ở miền Nam và các chiến trường B, C, K và trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc hiện còn vết thương thực thể hoặc còn dị vật kim khí trong cơ thể.

          - Người không thuộc lực lượng quân đội, công an bị thương trong kháng chiến chống Pháp ở miền Bắc và trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc hiện còn dị vật kim khí trong cơ thể.

          Các căn cứ chứng minh quá trình hoạt động cách mạng theo quy định nêu trên tại Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP hiện nay là phù hợp, chưa có cơ sở xem xét, sửa đổi.

Nguồn: molisa.gov.vn

Liên kết

 

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay228
Hôm qua360
Tuần này1512
Tháng này4890
Tất cả816536