Biểu dương 299 người có công tiêu biểu toàn quốc

Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2016 sẽ được tổ chức tại Cần Thơ vào ngày 23/7/2016.

Bieu duong 299 ng co cong tieu bieu toan quoc

Ảnh: VGP/Thu Cúc

299 đại biểu là những thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công tiêu biểu sẽ đại diện cho hàng triệu người có công trên cả nước tham dự hội nghị được tổ chức hằng năm này.

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo thông tin về các hoạt động đền ơn đáp nghĩa nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2016) do Bộ LĐTB&XH tổ chức chiều 18/7/2016 tại Hà Nội.

Đa số đại biểu về dự hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2016 đều là những tấm gương trên các lĩnh vực hoạt động của đời sống, xã hội. Nhiều thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công tiêu biểu vượt khó vươn lên với nghị lực phi thường, bằng sức lực và trí tuệ của mình đã phấn đấu ổn định đời sống, làm giàu cho quê hương, đất nước, tham gia các hoạt động có ích cho xã hội.

Một trong những câu chuyện xúc động về tấm gương thương binh vượt khó khăn, vươn lên thành công trong cuộc sống là câu chuyện về anh Bùi Ngọc Lượng ở xóm Gành Gà, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, thương binh 3/4. 

Anh Lượng bị mất một chân trong khi chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Sau khi rời quân ngũ về quê hương, anh làm thuê cho các tàu cá xa bờ.

Sau nhiều năm tích lũy, năm 1990, anh Lượng mua một chiếc ghe hai máy ra khơi đánh bắt hải sản tại các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Năm 2004, gia đình anh đầu tư đóng mới tàu công suất lớn trị giá gần một tỷ đồng, tiếp tục vươn khơi bám biển dài ngày, tạo việc làm cho hàng chục lao động.

Anh Đào Viết Thoàn, thương binh 1/4 quê ở xã An Quý, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình cũng là một tấm gương vượt khó, giúp đời. Anh đã tự học hỏi cách chữa trị bệnh của các thầy thuốc, tìm đọc và tham khảo các tài liệu y học với mục đích chữa bệnh cho mình và chữa bệnh cho nhiều người khác.

Hơn 10 năm qua, phòng khám của gia đình anh đã khám, chữa bệnh cho hơn 11.000 người đến từ mọi miền Tổ quốc. Trong số những người được anh chữa trị có nhiều mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sĩ, thương bệnh binh và người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Đến nay, cả nước có trên 8,8 triệu đối tượng người có công (chiếm gần 10% dân số), trong đó có gần 1,2 triệu liệt sĩ, gần 1,9 triệu người có công giúp đỡ cách mạng, hơn 4 triệu người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, trên 117.000 mẹ Việt Nam anh hùng, gần 800.000 thương binh, hơn 185.000 bệnh binh, trên 312.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học... Hiện nay, hơn 1,47 triệu người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng.

Người có công với cách mạng còn được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như trợ cấp một lần, hoặc trợ cấp hằng tháng, chế độ bảo hiểm y tế, phương tiện trợ giúp, chỉnh hình; điều dưỡng phục hồi sức khỏe; được ưu đãi trong giáo dục, đào tạo, vay vốn sản xuất, miễn giảm thuế; hỗ trợ cải thiện nhà ở...

Cho đến thời điểm hiện tại, trên 97% hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

                                                                                  Nguồn: Chinhphu.vn

Liên kết

 

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay66
Hôm qua360
Tuần này1350
Tháng này4728
Tất cả816428