Giải mã ký hiệu, phiên hiệu phục vụ tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ

     Thời gian qua, việc toàn quân đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 07 ngày 22-3-2010 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: “Về giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội trong chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc” (sau đây gọi là Chỉ thị 07) nhận được sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân. Đặc biệt, sau khi Bộ Quốc phòng tổ chức sơ kết giai đoạn 1 thực hiện Chỉ thị 07, nhiều bạn đọc, nhất là các cựu chiến binh (CCB) và thân nhân các liệt sĩ bày tỏ mong muốn được biết thông tin về kết quả thực hiện chỉ thị này. Chúng tôi xin chuyển tới bạn đọc những thông tin liên quan.

     Bước tạo đà vững chắc

     Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị sơ kết giai đoạn 1 thực hiện Chỉ thị 07 diễn ra tại Hà Nội mới đây, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: "Chỉ sau 2 năm, toàn quân đã thu thập được 14.388 thông tin cần giải mã, 16.484 thông tin giải mã và 12.046 thông tin về liệt sĩ - hoàn thành chỉ tiêu thu thập, giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội trong giai đoạn 1...".

Đội quy tập mộ liệt sĩ Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị tìm kiếm mộ liệt sĩ tập thể tại huyện Cam Lộ (Quảng Trị). Ảnh: Đức Dục

     Để có được những con số trên, các cơ quan chức năng đã chủ động xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng cấp, ngành, từng tổ chức và cá nhân; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị. Đồng thời, nhiều cơ quan đã làm tốt công tác tham mưu, tích cực nghiên cứu, hoàn thiện phần mềm giải mã, ứng dụng hồ sơ điện tử, chuẩn bị cơ sở vật chất và kỹ thuật cho việc tìm kiếm, giải mã… Hội CCB Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong việc thu thập, cung cấp các dữ liệu phục vụ việc giải mã. Các cấp hội đã thu được 156.819 ký hiệu, phiên hiệu đơn vị và 3.458 thông tin mộ liệt sĩ trong một thời gian ngắn.

Một số ký hiệu, phiên hiệu chiến trường, đơn vị được giải mã:

1. Ký hiệu chiến trường:

- B1: Chiến trường Quân khu 5, gồm các tỉnh Quảng -Đà (nay thuộc các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa).

- B2: Chiến trường Quân khu 6, 7, 8, 9 (thuộc các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long).

- B3: Chiến trường Tây Nguyên.

- B4: Chiến trường Bình Trị Thiên - Huế.

- B5: Mặt trận giới tuyến 17 và tỉnh Quảng Trị.

2. Ký hiệu đơn vị:

- KN: Mặt trận Quảng - Đà, Bộ CHQS các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Sư đoàn 711 (nay là Sư đoàn 2, Quân khu 5), Sư đoàn 3 (Quân khu 1).

- KB: Quân khu 8 (cũ), Cục Hậu cần Miền, Phòng Tình báo V102, Bộ CHQS các tỉnh: Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh), các Sư đoàn: 1, 5, 7, 9 và các Đoàn: 23, 90, 570.

- KT: Phòng Hậu cần B3, Sư đoàn 1, 2, 3, 6, 320, 304.

- KH: Đoàn 4, 5, 8; các đơn vị có ký hiệu 4 số: 1068, 2020, 2028, 4001, Sư đoàn 324 (chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên).

-NB: Các đơn vị thuộc Bộ tư lệnh Miền (chủ lực Miền).

- E96, Đoàn 75, B2 (Đoàn Pháo binh Miền) nay là Lữ đoàn Pháo binh 75, Quân khu 7.

     Thêm nhiều thông tin giá trị

     Thành tích nổi bật nhất trong giai đoạn 1 thực hiện Chỉ thị 07 theo một số ý kiến chính là việc cơ quan chức năng đã hoàn thiện và ứng dụng hồ sơ điện tử vào công tác tìm kiếm, giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị. Theo thông tin từ Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị), đến nay cục đã chỉ đạo nhập mới, so sánh, đối chiếu 720.066 hồ sơ điện tử, chuẩn hóa dữ liệu về liệt sĩ, quân nhân từ trần, mất tin trong chiến tranh, kết hợp giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị và cung cấp thông tin cho thân nhân liệt sĩ. Cùng với đó, Cục Chính sách đã chuyển giao hồ sơ điện tử cho 7 quân khu, 4 quân đoàn, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Binh đoàn 12 và 25 ban chính sách thuộc Bộ CHQS các tỉnh từ Quân khu 4 trở ra. Đại tá Trần Quốc Dũng, Phó cục trưởng Cục Chính sách đánh giá:

     - Bằng cách triển khai như vậy, chúng tôi đã phát huy được sức mạnh tổng hợp cả hệ thống theo ngành dọc. Chỉ tính từ tháng 9-2011 đến nay, đơn vị đã trích lục, cung cấp thông tin cho hơn 10.000 thân nhân liệt sĩ.

     Cũng theo Đại tá Trần Quốc Dũng, ngoài việc cung cấp thông tin chính xác cho thân nhân liệt sĩ, cơ quan còn chủ động phân tích, khai thác hồ sơ điện tử, thu thập được những thông tin hết sức quý giá - là căn cứ cho các hoạt động tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ. Kết quả khai thác hồ sơ điện tử như sau: Có khoảng 88.800 quân nhân hy sinh từ tháng 5-1965 đến tháng 3-1973 thuộc các đơn vị ký hiệu KN; Khoảng 52.200 quân nhân hy sinh từ 1966-1975 thuộc các đơn vị ký hiệu KB; Khoảng 38.500 quân nhân hy sinh từ 1965-1973 thuộc các đơn vị có ký hiệu KT; Khoảng 18.500 quân nhân hy sinh từ 1964-1972 thuộc các đơn vị ký hiệu KH; Khoảng 410 quân nhân hy sinh từ 1968-1970 thuộc các đơn vị có ký hiệu NB…

     Theo cơ quan chức năng, để nắm được các thông tin giải mã ký hiệu, phiên hiệu và thông tin mộ liệt sĩ nêu trên, thân nhân liệt sĩ có thể liên hệ với ban chính sách thuộc phòng chính trị của 63 bộ CHQS tỉnh, thành phố; phòng chính sách các quân khu, quân đoàn, quân binh chủng... để được hướng dẫn. Ngoài ra, thân nhân liệt sĩ có thể truy cập website “Tìm về đơn vị” của Cơ quan Thường trực Bộ Quốc phòng; khai thác thông tin ở chuyên mục “Tìm đồng đội” của một số bộ tư lệnh quân khu (website mạng Misten); theo dõi chuyên mục “Thông tin về mộ liệt sĩ” của Báo Quân đội nhân dân, chuyên mục “Nhắn tìm đồng đội” của Trung tâm Phát thanh và Truyền hình quân đội...

     Càng vững niềm tin

    Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng, Phó chủ tịch Thường trực Trung ương Hội CCB Việt Nam trăn trở với chúng tôi về những khó khăn, vướng mắc trong công tác tìm kiếm quy tập mộ liệt sĩ, cũng như công tác giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị thời gian tới. Bởi lẽ hiện tại cả nước vẫn còn gần 300.000 liệt sĩ chưa được quy tập và khoảng 330.000 liệt sĩ đã được quy tập, nhưng chưa xác định rõ danh tính. Thế nhưng cũng chính ông lại bày tỏ niềm tin tưởng về kết quả thực hiện Chỉ thị 07. ông khẳng định:

    - Quá trình phối hợp công tác, được trực tiếp trò chuyện, thấu hiểu nỗi niềm, trăn trở của các Thủ trưởng Bộ Quốc phòng; được chứng kiến tinh thần, trách nhiệm triển khai các nội dung, phần việc của cơ quan chức năng các cấp… khiến tôi rất tin tưởng vào kết quả giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị thời gian tới. Bởi lẽ ngay trong năm 2012, Bộ Quốc phòng yêu cầu 100% đơn vị phải hoàn thành việc khai thác, thu thập tìm kiếm thông tin, sử dụng phần mềm giải mã để nhập tin theo mẫu và tổng hợp báo cáo lên trên.

    Về lâu dài, Bộ Quốc phòng sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử, tiếp tục triển khai dự án công nghệ thông tin quy mô quốc gia theo Quyết định 1605/2010 của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thành hạ tầng kỹ thuật và hệ thống thông tin về liệt sĩ, thương binh, bệnh binh giai đoạn 2012-2015 (dự án khi hoàn thành sẽ kết nối mạng với cổng thông tin điện tử Chính phủ). Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng tích cực triển khai lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên phạm vi toàn quốc và từng tỉnh, thành phố, xác định các khu vực cần tập trung tìm kiếm quy tập... Tất cả những phần việc trên giúp những người trong cuộc và thân nhân liệt sĩ càng thêm tin tưởng vào kết quả tìm kiếm, giải mã ký hiệu, phiên hiệu trong thời gian tới.

Tổ chức, cá nhân biết thông tin liên quan đến giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội trong chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc xin gọi điện hoặc liên hệ, báo tin cho các cơ sở hội CCB, cơ quan quân sự địa phương từ xã tới tỉnh, hoặc gửi thư về Ban Tổ chức chính sách, Hội CCB Việt Nam, số 38, Lý Nam Đế, Hà Nội.

Nguồn: http://www.qdnd.vn/

Liên kết

 

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay186
Hôm qua138
Tuần này924
Tháng này2730
Tất cả815096